Cuộc chiến kết thúc
Azerbaijan và Armenia đã đồng ý chấm dứt các hành động đối đầu ở Nagorno-Karabakh theo một thỏa thuận do Nga bảo trợ, ngăn Mỹ và châu Âu khỏi các nỗ lực dàn xếp và không để lại tiếng nói ngoại giao nào cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo tờ Al-Monitor, thỏa thuận được công bố vào rạng sáng ngày 10/11 cho phép Azerbaijan giữ lại các khu vực trong Nagorno-Karabakh mà họ đã giành được trong các cuộc đụng độ kể từ ngày 27/9 và yêu cầu Armenia bàn giao một số khu vực tiếp giáp trong vài tuần tới.
Theo thỏa thuận, khu vực Agdam và các vùng đất do Armenia kiểm soát ở khu vực Kazak sẽ được bàn giao cho Azerbaijan trước ngày 20/11. Một lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga bao gồm 1.960 quân, 90 xe bọc thép, 380 phương tiện và thiết bị đặc biệt sẽ triển khai dọc tuyến liên lạc ở Nagorno-Karabakh và dọc theo cái gọi là Hành lang Lachin, con đường chính từ Nagorno-Karabakh đến Armenia, theo nhiệm vụ 5 năm và sẽ tự động gia hạn nếu không bên nào phản đối trước sáu tháng.
Có hai yếu tố thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận mà Moscow đã nung nấu trong ít nhất hai tuần qua. Đầu tiên, quân đội Azerbaijan đã bắn hạ một máy bay trực thăng của Nga bay trên không phận Armenia gần biên giới với Nakhchivan vào ngày 9/11, khiến hai thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và một người bị thương.
Baku ngay lập tức tuyên bố chiếc trực thăng đã bị bắn hạ là do sai sót, lên tiếng xin lỗi và đề nghị bồi thường. Giới phân tích cho rằng, sai lầm không mong muốn này được cho là yếu tố làm tăng áp lực buộc Baku phải chấp nhận thỏa thuận mà Moscow đã trình bày vài ngày trước đó.
Mặt khác, mọi thứ đã diễn ra thuận lợi cho Azerbaijan trên chiến trường. Lực lượng Azerbaijan nhờ hỗ trợ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ và vũ khí của Israel sản xuất đã chiếm được khoảng 30% lãnh thổ Nagorno-Karabakh, trong đó có 300 trong số khoảng 900 khu định cư, các khu vực chủ yếu là nông thôn ở phía Nam của vùng đất gần biên giới Iran.
Gần đây, các cuộc đụng độ đã chuyển sang trục Lachin-Shusha-Stepanakert quan trọng. Viễn cảnh giao tranh ở những khu vực đông dân cư như vậy đe dọa làm tăng số lượng dân thường thiệt mạng và châm ngòi cho làn sóng tị nạn khi mùa Đông đến gần, yếu tố thứ hai khiến thỏa thuận này kết thúc.
Azerbaijan bỏ xa Armenia rõ rệt về ngân sách quốc phòng và quân nhân, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm. Năm 2019, quốc gia này có ngân sách quốc phòng là 1,8 tỷ USD và quân đội 60.000 người, trong khi các con số tương ứng của Armenia là 644 triệu USD và 44.000 quân.
Đánh giá về tổn thất của hai bên, Azerbaijan dường như đã chiếm ưu thế rõ ràng trên chiến trường. Theo các bản tin địa phương, quân đội Armenia đã mất khoảng 100 xe tăng chiến đấu chủ lực, khoảng 50 xe bọc thép chiến đấu và chở quân, khoảng 70 pháo, 60 hệ thống tên lửa phóng loạt, khoảng 20 hệ thống phòng không và hơn 400 xe tải kể từ ngày 27/9.
Trong khi đó, lực lượng Azerbaijan đã mất 20 xe tăng, khoảng 10 pháo và nhiều hệ thống tên lửa phóng, gần 50 xe tải và khoảng 20 máy bay không người lái. Tóm lại, Armenia đã bị giáng một đòn nặng nề, có khả năng gây ra hậu quả lâu dài cho những khu vực nghèo khó và nền kinh tế, thậm chí tác động đến địa chính trị của khu vực.
Theo một nghĩa nào đó, thỏa thuận ngừng bắn là nước đi hợp lý của Moscow dành cho Yerevan trước khi quân đội Armenia đối mặt với những thiệt hại to lớn hơn. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan mô tả thỏa thuận này là "cực kỳ đau đớn", thừa nhận rằng các nhà lãnh đạo quân sự đã khuyên ông chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn vì "nguồn lực đã cạn kiệt".
Ai thắng?
Một trong những khía cạnh kỳ lạ của thỏa thuận là đòi hỏi giới quan sát phải phân biệt giữa người thắng và người thua cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán. Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ là những người chiến thắng trên thực tế, nhưng Nga và Azerbaijan đã nổi lên như những người chiến thắng trên bàn đàm phán.
Lợi ích ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ không rõ ràng. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã đề cập đến vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giám sát lệnh ngừng bắn, nhưng Moscow nhanh chóng khẳng định rằng chỉ lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga sẽ được triển khai.
Đối với Moscow, thỏa thuận đã hiện thực hóa đề xuất năm 2018 trong việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh, mà cả hai bên đã từ chối vào thời điểm đó. Nó đồng nghĩa với việc Nga quản lý khu vực đông dân và phát triển kinh tế nhất Nagorno-Karabakh, đồng thời chấm dứt tình trạng của khu vực này như một lãnh thổ do Armenia quản lý.
Thông qua thỏa thuận, Moscow đang đóng băng xung đột một cách hiệu quả, nhưng Baku rất vui với những lợi ích mà họ đã đạt được. Theo đó, Tổng thống Aliyev đạt được một giải pháp ngắn hạn làm hài lòng công chúng và củng cố sức mạnh chính trị trong nước.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là hòa bình lâu bền vẫn đòi hỏi một giải pháp chính trị lâu dài.
Tờ Al-Monitor cho rằng, Armenia đang đứng trước những thời điểm khó khăn, khi thiệt thòi cả trên chiến trường lẫn trên bàn đàm phán. Ý thức về niềm tự hào dân tộc bị tổn thương có thể gây áp lực lên chính phủ. Điều chắc chắn nữa là thỏa thuận này đã làm tăng rõ rệt sự phụ thuộc của Armenia vào Nga.
Còn Thổ Nhĩ Kỳ thì sao? Sự hỗ trợ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với sự hỗ trợ vũ khí của Israel, là công cụ giúp nâng quy mô có lợi cho Azerbaijan trên chiến trường. Tuy nhiên, ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ dường như không có nhiều tiếng nói trên bàn đàm phán.
Bằng cách giúp đỡ Azerbaijan, Ankara đã đẩy hoàn toàn Armenia vào vòng tay của Nga. Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã gián tiếp cắt đứt những mối liên hệ giữa Armenia với phương Tây.
Hơn nữa, hành lang được lên kế hoạch từ Nakhchivan - có chung đường biên giới một phần với Thổ Nhĩ Kỳ, đến đất liền Azerbaijan cũng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga, làm giảm hy vọng của Ankara trong việc sử dụng tuyến đường này như một cửa ngõ để tăng cường ảnh hưởng của mình ở Azerbaijan và Trung Á.
Các thỏa thuận ngừng bắn thường là những thỏa thuận ngắn hạn, nhưng những thỏa thuận thành công sẽ có cơ hội tiến triển thành hòa bình lâu dài. Và xung đột Nagorno-Karabakh hiện đang hướng tới một quá trình đàm phán lâu dài, yêu cầu Ankara xử lý vấn đề Nakhchivan song song với vấn đề bình thường hóa với Armenia. Đó là cách có thể đạt được một nền hòa bình lâu bền trên toàn khu vực. Thỏa thuận mới nhất cho thấy rằng con đường dẫn đến hòa bình như vậy cũng sẽ “đi qua” Moscow.