Sau một thời gian nhận được nhiều ý kiến phản ánh từ dư luận về những nội dung chưa phù hợp, nhóm tác giả sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều và nhà xuất bản đã đưa ra tài liệu chỉnh sửa, bổ sung những ngữ liệu, từ ngữ chưa phù hợp để giáo viên thay thế.
Tôi đánh giá cao sự thay đổi, bổ sung này của nhóm tác giả. Dù Bộ GD&ĐT đã nhiều lần nhấn mạnh sách giáo khoa không còn là pháp lệnh, mỗi giáo viên có quyền điều chỉnh, bổ sung, thay đổi nội dung bài giảng của mình, nhưng thực tế, việc chỉnh sửa của chính nhóm tác giả sẽ đảm bảo tính thống nhất, chuẩn chỉnh cho giáo viên cả nước.
Tuy nhiên, xem qua nội dung tài liệu chỉnh sửa của sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều, tôi nghĩ nhóm tác giả vẫn cần phải tiếp tục chỉnh sửa để sách phù hợp với học sinh mọi miền và thuận tiện cho quá trình dạy học của giáo viên.
Nhóm tác giả đã chỉnh sửa những điểm chưa hợp lý mà dư luận đã phản ánh thời gian qua nhưng lại chỉnh sửa chưa thật trọn vẹn. Bởi ngoài những nội dung không phù hợp đã được phản ánh, trong sách vẫn "lọt" một số bài đọc, từ ngữ mắc lỗi tương tự như dùng từ cổ, không phổ biến, sử dụng từ đơn quá nhiều.
Đơn cử như bài tập đọc trang 119 có nội dung: "Lớp Hà có tiết tập viết. Hà viết rất cẩn thận. Thế mà bạn Kiên xô bàn làm chữ "biển" của Hà xiên đi. Hà nhăn mặt. Kiên thì thầm: "Tớ lỡ mà". Hà chả giận bạn. Em viết thêm chữ "biển" thật đẹp. Cô nhìn chữ em, khen: "Chữ Hà đẹp lắm"!".
Bài học cây tranh cãi trong sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều. Ảnh: N.S. |
Từ "chả" không phải là từ phổ biến ở miền Nam. Hơn nữa, theo cách nói của người miền Nam, từ "chả" còn mang lại cảm giác không thân thiện. Ở một số bài đọc khác, từ "chả" lặp đi lặp lại rất nhiều lần gây cảm giác khó chịu. Tôi rất hiểu dụng ý của tác giả, vì học sinh chưa học vần "ông" để nên tác giả không dùng từ "không". Khi dạy đến đây, giáo viên phải đành giải thích cho các con hiểu từ "chả" có nghĩa là gì, tương đương nghĩa với từ "không" nhưng vì sao không dùng từ không".
Hiện giáo viên dạy bộ sách Cánh diều phải mất nhiều thời gian, công sức hơn những bộ khác. Bởi có nhiều từ ngữ còn xa lạ với chính giáo viên, chứ chưa nói đến học sinh. Nhiều khi tôi phải dùng từ điển để tra nghĩa của một số từ ngữ để giải thích cho học trò. Tiết học cũng mất thời gian hơn rất nhiều vì phải giải thích tới, giải thích lui. Chuyện "cháy giáo án" gần như hiển nhiên.
Điều đáng nói, với trẻ lớp 1, có rất nhiều từ các cháu đã hiểu nghĩa, dùng thành thạo qua lời ăn tiếng nói hàng ngày dù thực tế chưa được dạy, học. Các tác giả sách Cánh diều có quan điểm nội dung mỗi bài đọc phải là những từ ngữ trẻ đã được học ở những bài trước đó để vừa học, vừa ôn lại cái cũ. Nhưng có nhất thiết phải làm một cách triệt để hay không? Trong khi, nhiều từ vốn thông dụng, rõ nghĩa, quen thuộc với học sinh nhưng buộc phải thay, cho trẻ học bằng những từ tối nghĩa, từ cổ.
Mặt khác, trong sách Tiếng Việt hiện nay dùng từ đơn quá nhiều. Trong phần làm quen ở mỗi bài học, sách sử dụng nhiều hình ảnh minh họa để gợi ý cho trẻ về âm, vần được học. Hình ảnh cặp da nhưng sách chỉ để từ "da", quả nho thì chỉ để từ "nho", lá cờ chỉ để từ "cờ",... là chưa hợp lý.
Vì khi dạy đến những hình ảnh này, giáo viên chắc chắn hướng dẫn và nói học trò hình ảnh lá cờ là lá cờ, từ da kia là cặp da. Như vậy, sách để những từ đơn một cách cộc lốc như vậy cũng không nhiều ý nghĩa, tác dụng. Trong khi, nếu không có sự hướng dẫn của giáo viên, hoặc do thói quen, học trò tự nhìn và chỉ đọc, nói cộc lốc, trống không. Nhiều giáo viên lo lắng điều này dễ tạo thói quen nói trống không ở trẻ.
Những bài tập đọc thay thế cho những bài đọc có nội dung bị cho là không phù hợp. |
Hơn nữa, tôi vẫn cảm thấy các mẩu chuyện được sử dụng trong sách được trích khá dài. Với những học sinh trung bình, yếu, nhìn một bài đọc dài như vậy các em rất dễ nản.
Rõ ràng, mỗi tiết học, bài đọc không thể thiếu sự hướng dẫn, định hướng của giáo viên. Thế nhưng, nếu sách giáo khoa sử dụng từ ngữ, ngữ liệu phù hợp với tất cả học sinh sẽ phát huy được năng lực tự học của học sinh, việc dạy của giáo viên cũng thuận lợi hơn.
Sách giáo khoa được sử dụng từ năm này sang năm khác, trong đó có bộ sách Cánh Diều. Tôi vẫn cho rằng nhóm tác giả cần tiếp tục lắng nghe và chỉnh sửa để sách được hoàn thiện hơn thay vì phó mặc cho thầy cô tự điều chỉnh, bổ sung khi thấy không phù hợp.