Sớm hướng đưa các quy định mới trong lĩnh vực lâm nghiệp vào đời sống

22/03/2024 09:28

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/3, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến về triển khai văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Kể từ khi Luật Lâm nghiệp được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2019 đến nay, Bộ NN&PTNT đã cùng các cơ quan lâm nghiệp của các địa phương tham mưu Chính phủ ban hành 11 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 26 Thông tư quy định chi tiết và tổ chức thi hành Luật Lâm nghiệp. Theo ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm đã và đang tham mưu lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bộ trình Chính phủ xem xét ban hành 4 văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định và Luật lâm nghiệp cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Tại hội nghị, ông Ngô Văn Vinh, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai góp ý về quá trình triển khai Thông tư 25 quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, đa số ý kiến cho rằng đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc như: quỹ đất trống quy hoạch cho rừng đặc dụng, phòng hộ nhỏ lẻ, manh mún, ở nơi xa xôi, khó khăn,… gây khó khăn cho việc thiết kế, tổ chức trồng rừng, phát sinh chi phí lớn.

Ông Ngô Văn Vinh, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc xác định đơn giá theo thiết kế, dự toán cho các dự án mất nhiều thời gian trong khi các chủ dự án cần hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế và bảo đảm tiến độ thực hiện công trình. Bên cạnh đó thì thủ tục thanh quyết toán kinh phí, kiểm soát chi trồng rừng thay thế theo quy định hiện hành cũng không còn phù hợp.

"Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có rất nhiều các dự án có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng khác nhưng đến nay quỹ đất trồng rừng lại càng ngày càng ít đi. Trên cơ sở nâng cao chất lượng rừng đề nghị chấp thuận ngoài việc trồng rừng thay thế có thể thực hiện các biện pháp kỹ thuật an sinh về làm giàu rừng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng rừng, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng dần để tránh ùn ứ kinh phí cho việc trồng rừng thay thế", ông Vinh dẫn chứng.

Góp ý về Luật Đất đai (sửa đổi), bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017, ông Đỗ Ngọc Đoàn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ nêu ý kiến: "Luật Đất đai (sửa đổi) đã tháo gỡ những vướng mắc về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đối với rừng trồng và rừng sản xuất đã được phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sang cho Hội đồng nhân dân các tỉnh nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển tiếp. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay có một số dự án đã trình Bộ NN&PTNT xem xét để xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cụ thể là 2 khu công nghiệp, nhưng đến nay là thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh, đề nghị có hướng dẫn cụ thể để địa phương thực hiện".

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, 2 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu ngành lâm nghiệp đạt 2,4 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ 2023. Để đạt được thành quả này, có sự đóng góp không nhỏ của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khi tạo ra không gian, hành lang pháp lý khoa học để các chủ thể liên quan hoạt động.

Tuy nhiên, để các quy định pháp luật thực sự đi vào cuộc sống, giải quyết những tồn tại mà thực tiễn đang đặt ra, các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, nhất là các địa phương phải thống nhất nguyên tắc: muốn triển khai văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả trước hết phải hiểu thật kỹ lưỡng, thấu đáo văn bản, quy định đó. Đồng thời, chỉ triển khai khi có quy định của pháp luật, theo đúng thẩm quyền, không nóng vội, chủ quan. Những nội dung còn mơ hồ phải nhanh chóng trao đổi lại với Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm và học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh đã triển khai hiệu quả.

Thứ trưởng cũng yêu cầu, song song với việc góp ý, kiến nghị hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, những địa phương trong thời gian qua để xảy ra tình trạng cháy rừng, phá rừng cần khẩn trương rà soát, chủ động xây dựng phương án cụ thể để tình trạng này không còn tái diễn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo vệ, phòng cháy rừng.

Đồng thời, diện tích rừng trồng đã được định hình, muốn nâng cao giá trị rừng phải nâng cao năng suất, chất lượng gỗ, trong đó ưu tiên giải pháp sử dụng các giống nuôi cấy mô cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt, địa phương nào có diện tích rừng tự nhiên giảm phải khẩn trương kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân để chấm dứt tình trạng này.

Đỗ Hương


Bạn đang đọc bài viết "Sớm hướng đưa các quy định mới trong lĩnh vực lâm nghiệp vào đời sống" tại chuyên mục PHÁP LUẬT. DOANH NHÂN CỰU CHIẾN BINH ONLINE  

Cùng chuyên mục