Vì đâu Việt Nam vẫn vắng bóng công trình xanh?
Với lợi ích thiết thực là hạn chế tác động xấu tới môi trường, công trình xanh đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng ở Việt Nam công trình xanh vẫn chỉ dừng lại ở con số khá khiêm tốn.
Mới có 155 công trình xanh
Công trình xanh là một xu hướng tiên tiến đã và đang được thúc đẩy trong thiết kế kiến trúc xây dựng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Các công trình sẽ được thiết kế xây dựng và vận hành theo các tiêu chí, như địa điểm bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo không gian cây xanh trong giải pháp thiết kế, tiết kiệm năng lượng, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, chú trọng giải pháp giảm trừ ô nhiễm môi trường...
Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển, đặc biệt là vấn đề suy thoái tài nguyên, cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch, gia tăng phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.
Với việc hạn chế được một phần khí thải nhà kính từ các công trình xây dựng, mô hình công trình xanh là một trong những giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và được dự báo sẽ sớm trở thành một xu hướng phổ biến trong tương lai.
Những năm qua, tại Việt Nam đã xuất hiện những công trình xây dựng mới được thiết kế với giải pháp xanh, không ít trong số đó đã được chứng nhận xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất ít so với các nước trên thế giới.
Theo thống kê của Chương trình phát triển công trình xanh (Tổ chức Tài chính quốc tế - IFC), đến quý III/2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình - một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.
Giảm được khoảng 30% phát thải khí nhà kính
Theo KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội, việc phát triển công trình xanh không chỉ có lợi ích về sức khỏe cho con người mà còn mang lại lợi ích lớn về kinh tế.
Theo tính toán, những công trình xanh thường tiết giảm được khoảng 30% phát thải khí nhà kính, khí ô nhiễm của ngành xây dựng, nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu và mưa axit.
Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị xanh Việt Nam, công trình xanh được hiểu là công trình xây dựng mà trong cả vòng đời, từ giai đoạn lựa chọn địa điểm xây dựng, thiết kế, thi công, sử dụng, vận hành... đều đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, tài nguyên nước, vật liệu, sản sinh ra chất thải làm ô nhiễm môi trường ở mức ít nhất. Thời gian qua, chất lượng không khí, chất lượng nước ảnh hưởng đến đời sống người dân rất rõ nét. Vì vậy, phát triển công trình xanh xem như giải pháp bền vững giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống.
Thành viên kiến tạo loại công trình này không ai khác chính là chủ đầu tư dự án, nhà quản lý, những người chuyên môn làm về tư vấn, kỹ thuật…
“Số dự án bất động sản được cấp chứng nhận công trình xanh tại Việt Nam còn rất khiêm tốn so với sự tăng trưởng của thị trường xây dựng” - PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên nhìn nhận.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, nhưng doanh nghiệp bất động sản chưa thực sự mặn mà với những công trình xanh do kinh phí cao. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới cho thấy, xây dựng các công trình xanh trung bình sẽ đòi hỏi tăng vốn đầu tư khoảng 3-8 % so với đầu tư thông thường. Nhưng các công trình xanh sẽ tiết kiệm 15-30% năng lượng sử dụng, giảm khoảng 30-35% lượng khí thải CO2, tiết kiệm 30-50% lượng nước sử dụng và 50-70% chi phí xử lý chất thải.
Ngoài việc chi phí bị độn lên, thì quy trình thủ tục cũng còn phức tạp, tốn kém... Ngoài ra, nhiều người mua căn hộ chỉ tìm vị trí đẹp, giao thông thuận tiện mà hoàn toàn không quan tâm đến yếu tố xanh như chủ đầu tư dùng đèn gì, tiết kiệm nước ra sao… Đây cũng là lý do khiến cho nhiều chủ đầu tư chưa mặn mà xây dựng công trình xanh.
Từng trao đổi với báo Đầu tư Bất động sản, bà Nguyễn Thị Tịnh Tâm, đại diện chủ đầu tư cao ốc văn phòng M-Building (quận 7, TP.HCM), cao ốc được nhận chứng chỉ EDGE (chứng chỉ xanh của IFC) cho biết, để xây dựng được công trình theo tiêu chuẩn xanh, chủ đầu tư phải trải qua nhiều thách thách thức rất lớn. Tuy nhiên, khi đã vượt qua, thì những lợi ích mà công trình này mang lại không hề nhỏ.
“Để có chứng chỉ này, chúng tôi phải chinh phục nhiều thử thách, nhưng khi đưa vào vận hành thì những lợi ích mà công trình xanh mang lại rất lớn. Hiện chúng tôi đã tiết kiệm được 50% số tiền nước và 30% số tiền điện trên mỗi tháng. Ngoài ra, khách đến thuê công trình của chúng tôi họ cảm thấy rất thoải mái, bởi khi sử dụng dịch vụ, họ có được cảm giác góp phần vào việc bảo vệ môi trường”, bà Tâm nói.
Bên cạnh đó, điều còn thiếu hiện nay là bộ tiêu chuẩn thiết kế về sử dụng năng lượng và vật liệu trong nhà chung cư để nhà thiết kế có thể áp dụng, cũng như làm cơ sở cho nhà quản lý, đầu tư tham khảo khi quyết định xây dựng các công trình chung cư.
Hà My