Khối ngoại liên tục “ghi bàn”
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập DN (CMAC) tổng hợp từ MergerMarket và HSF, tổng giá trị M&A toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2020 là 901,7 tỷ USD, thấp hơn 52% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại thị trường Việt Nam, tổng giá trị M&A năm 2019 đạt 7,2 tỷ USD, bằng 94,7% so với năm 2018. Do sự tác động của Covid-19 cũng như một số yếu tố khác, dự kiến giá trị M&A năm 2020 tiếp tục suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Mặc dù suy giảm, song 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020, thị trường vẫn chứng kiến nhiều thương vụ đáng chú ý. Đặc biệt là việc việc các tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam tiến hành tái cấu trúc, mở rộng hợp tác kinh doanh với các đối tác trong và ngoài nước. Hàng loạt thương vụ quy mô lớn đã được thực hiện bởi các tập đoàn Việt Nam như Masan, Vingroup, Vinamilk, Gelex, REE, Thaco, PAN Group… Trong khi đó, khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn tích cực tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam. Từ đầu năm 2020 đến nay, các nhà đầu tư Nhật Bản liên tục “ghi bàn” với 19 thương vụ. Nổi trội là việc Mitsubishi Corporation và Nomura Real Estate mua lại 80% giai đoạn II, Dự án Grand Park của Vingroup; Ngân hàng Aozora mua 15% cổ phần của Ngân hàng TMCP Phương Đông; Tập đoàn bất động sản Haseko mua 36% cổ phần của Công ty Xây dựng Ecoba; Công ty Dược phẩm ASKA mua 24,9% cổ phần của Công ty Dược Hà Tây…
Ông Đặng Xuân Minh – Viện trưởng Viện CMAC - cho rằng, việc góp vốn, mua cổ phần tại những DN là bình thường, nên để diễn ra tự nhiên theo quy luật thị trường. Các thương vụ M&A sẽ giúp cho các DN tái cấu trúc nguồn lực của mình; đồng thời cũng là giải pháp đầu tư hiệu quả khi có thể tiếp cận thị trường một cách tối ưu nhất.
Nhiều thương vụ lớn sẽ chốt vào năm 2021
Năm 2021, thị trường M&A tiếp tục được dự đoán khó khăn, vốn đầu tư toàn cầu giảm ảnh hưởng đến thị trường M&A toàn cầu và cả Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong “nguy” đã có xuất hiện nhiều chỉ dấu cho thấy “cơ” phục hồi của thị trường từ giữa năm 2021, khi kinh tế hồi phục và dòng vốn đầu tư toàn cầu dịch chuyển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn sau khi khống chế thành công đại dịch Covid-19 và nhiều cơ hội mở ra. Đó là sự dịch chuyển dòng vốn ra khỏi các thị trường lớn nhưng kém an toàn; các Hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hay việc sửa đổi một loạt các luật quan trọng mới về đầu tư kinh doanh trong đó, có các quy định mới sẽ giúp cởi mở hơn, minh bạch hơn cho hoạt động M&A.
Ông Phan Chí Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cho biết, 3 luật có tác động đến hoạt động M&A được sửa đổi và cùng có hiệu lực, đó là Luật DN, Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán. Trong đó, Luật DN 2020 có nhiều quy định trực tiếp tác động đến M&A, như cho phép DN tư nhân chuyển thành công ty cổ phần, thay vì chỉ cho phép chuyển thành TNHH như quy định tại Luật DN hiện hành.
“Quy định này sẽ giúp gia tăng cơ hội và thuận lợi hơn cho DN nhỏ và vừa tham gia quá trình M&A. Hàng hóa của thị trường M&A sẽ không chỉ thay đổi về chất, mà sẽ tăng cả về lượng.”- ông Phan Chí Hiếu nhấn mạnh.
Nhiều dự báo cho rằng, làn sóng M&A sẽ có độ trễ vì đại dịch Covid-19 khiến bên mua và bên bán chưa gặp nhau, việc hình thành thương vụ lâu hơn dự kiến, nhưng rất có thể xuất hiện các thương vụ lớn sẽ được chốt trong năm 2021.
Hiện các nhà tư vấn đều khẳng định, không vì dịch bệnh mà sức hấp dẫn của thị trường M&A giảm. Quá trình rà soát, thẩm định không ảnh hưởng quá nhiều vì hai bên cũng đã có hiểu biết về nhau, họp trực tuyến, nội dung chuẩn bị trước, quá trình rà soát diễn ra bình thường chỉ hoãn lại một chút về kế hoạch chốt giao dịch. Giới đầu tư và DN tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid-19.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, thử thách lớn để Việt Nam tiếp nhận các dòng vốn M&A này là độ minh bạch về quản trị DN, tính pháp lý của dự án. Bởi nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm uy tín của DN và tính pháp lý dự án. Nếu các nhà đầu tư địa phương có thể đáp ứng các tiêu chí đó M&A sẽ nhiều hơn trong năm 2021 và các năm sau.
Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021-2022. Theo đó thị trường có thể phục hồi về mức 4,5-5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỉ USD vào năm 2022. |