Nghệ An: Tăng chất lượng thuỷ sản bằng công nghệ

06/05/2021 13:56

Tiềm năng của ngành khai thác thủy sản Nghệ An vẫn còn rất lớn nhưng chưa phát huy giá trị trong chế biến và xuất khẩu, do đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực này. Đây cũng là bài toán chưa có lời giải đối với cả nhà quản lý và ngư dân.

Sản lượng tăng nhưng lợi nhuận giảm

Theo thống kê của Chi cục Thuỷ sản Nghệ An, trên địa bàn hiện có khoảng gần 4.500 tàu, thuyền đang trực tiếp tham gia đánh bắt thuỷ hải sản trên biển. Nhờ chú trọng đầu tư phương tiện đánh bắt, đổi mới nghề khai thác, ngư dân chịu khó bám biển dài ngày nên sản lượng hải sản ngày một tăng. Thế nhưng, công nghệ bảo quản chưa được chú trọng nên giá trị sản phẩm sau khai thác đạt thấp, tỷ lệ hao hụt cao.

Nghệ An: Tăng chất lượng thuỷ sản bằng công nghệ
Hầu hết các tàu thuyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang sử dụng bột đá để bảo quản hải sản sau khai thác

Ông Hoàng Ngọc Thuỷ - Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng TX Hoàng Mai (Nghệ An) - cho biết, mặc dù sản lượng đánh bắt hải sản tại TX Hoàng Mai luôn đứng ở Top đầu cả tỉnh. Với trên 1.000 tàu cá, trong đó tàu trên 90 CV là trên 500 chiếc, sản lượng khai thác hàng năm trên 50 ngàn tấn. Tuy nhiên chất lượng hải sản sau đánh bắt chưa cao, lượng hải sản đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu đạt rất thấp chưa đến 30%, và chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch qua Lào, Thái Lan và Trung Quốc…

"Việc bảo quản cá trên tàu chủ yếu là ướp đá, không đạt chất lượng và giảm độ tươi nên không đủ tiêu chuẩn để doanh nghiệp thu mua. Chưa kể, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đối với nước đá hầu như đang bị bỏ ngỏ. Chính vì sự lạc hậu trong bảo quản sản phẩm đánh bắt, nên tổn thất sau thu hoạch cao", ông Thuỷ cho biết thêm.

Theo chia sẻ của ngư dân Phan Văn Hải ở Quỳnh Lập, từ trước đến nay, ngư dân thường bảo quản theo cách truyền thống là ướp nước đá xay. Với cách này, hầm bảo quản không đảm bảo kỹ thuật, độ lạnh không đạt nên chất lượng giảm sút. Do thiếu kinh phí nên chúng tôi chưa thể trang bị hầm bảo quản tiên tiến. Mỗi chuyến biển kéo dài hơn 10 ngày, nên khi về đến bờ hơn 60% lượng hải sản không đảm bảo độ tươi, việc tiêu thụ gặp khó khăn, nên các tiểu thương trả giá rất thấp…

Anh Trần Văn Dương ở Quỳnh Lập (Quỳnh Lưu) là chủ cơ sở thu mua, chế biến và bảo quản hải sản. Với trữ lượng kho đông khoảng 100 tấn, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid nên đầu ra không ổn định, nếu cấp đông lâu ngày sẽ đội chi phí điện. Nên chỉ chọn những hải sản có giá trị hoặc thời điểm hàng về nhiều thì mới mua để đưa vào kho cấp đông, số còn lại dùng xe đông lạnh, bỏ hàng vào khay đá đưa ngay đi các chợ đầu mối. Với cách làm này, hàng không được giá lắm nhưng thu hồi vốn nhanh, đỡ chi phí.

Cũng theo anh Dương, chuyến biển nào anh cũng hướng dẫn các chủ tàu đánh bắt xong phải bảo quản hải sản đúng cách thì khi bán không bị tư thương ép giá nhưng ngư dân không làm được. Một phần vì hạ tầng kho bãi dưới tàu chưa đồng bộ khiến hải sản bị hư hỏng, biến chất. Các cơ sở chế biến, cấp đông cũng chịu sức ép rất lớn vì đầu tư bình quân 1 tỷ đồng/kho 150 tấn hàng, hàng tháng phải mất từ 50-100 triệu tiền điện và công cho hàng chục lao động nên khi mua phải cò kè với ngư dân vì nếu không khéo hạch toán thì sẽ lỗ nặng.

Không phủ nhận một số thời điểm, ngư dân được mùa được giá nhưng nhìn chung giá trị hải sản đang thụt lùi và rất khó đảm bảo để xuất khẩu. Những cơ sở thu mua, cấp đông tồn đọng lượng hàng lớn khiến giá trị hải sản chuyển dịch theo hướng bất lợi cho ngư dân. Không chỉ Nghệ An mà đây là thực trạng chung của cả nước, mặc dù tổng sản lượng khai thác biển tăng từng năm.

Đánh giá về nguyên nhân, ông Hoàng Ngọc Thuỷ - Trưởng phòng kinh tế - hạ tầng TX.Hoàng Mai - cho rằng, chính những yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập khiến giá trị sản phẩm của ngư dân giảm sút. “Mấy năm nay, giá xăng dầu cao, giá cá rẻ khiến thu nhập sau chuyến đánh bắt của ngư dân giảm. Một phần do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp khiến ngư dân tiếp tục khó khăn. Ngoài ra, Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu sản phẩm theo đường tiểu ngạch, gây tác động rất lớn đến giá trị hải sản trong nước, trong đó có Nghệ An...”, ông Thuỷ phân tích.

Cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ

Để nâng cao chất lượng hải sản, nhằm giảm tổn thất sản phẩm sau khai thác trên tàu cá, Chi cục Thủy sản, Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An đã triển khai xây dựng mô hình nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản bằng hầm bảo quản PU (Polyurethane). Theo ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ, đây là công nghệ mới, được nhiều ngư dân các tỉnh Quảng Bình, Đà Nẵng... áp dụng đưa lại hiệu quả cao, bởi khả năng giữ lạnh tốt, chất lượng cá được đảm bảo, hao phí đá lạnh ít. Mặt khác, tuổi thọ của 1 hầm bảo quản bằng chất liệu PU có thể hơn 10 năm trong khi những hầm bảo quản bình thường 1-2 năm phải làm lại.

Nghệ An: Tăng chất lượng thuỷ sản bằng công nghệ
Phương pháp bảo quản thô sơ làm giảm chất lượng hải sản khai thác

Từ kho đông trên tàu cá cho đến trên bờ đều có thể ứng dụng, lắp đặt để mang lại giá trị cao cho hải sản sau đánh bắt. Tuy nhiên, do mức chi phí lắp đặt ban đầu quá lớn, trong đó có những công nghệ có giá hàng triệu USD, chủ tàu cá hay cơ sở thu mua chế biến ở Nghệ An quy mô nhỏ lẻ nên không thể kham được. "Việc thay đổi công nghệ bảo quản hải sản sau đánh bắt trên tàu cá là dùng thùng PU hoặc công nghệ đá lạnh kết hợp bơm nước biển vào để cấp đông, chi phí mỗi tàu cũng khá cao khoảng từ 350 - 400 triệu", ông Thành cho biết thêm.

Anh Hoàng Huy Phương - chủ một cơ sở đông lạnh tại khối Tân Hải, phường Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai) - cho hay: Mới đây, ông đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để lắp đặt kho lạnh công nghệ của Mỹ, lắp đặt các giá đỡ phía trong kho và giảm thời gian cấp đông (xuống - 50 độ) từ 9-10 tiếng xuống còn 4-5 tiếng và hải sản sau bảo quản vẫn đảm bảo tươi ngon. Nhưng do chi phí đầu tư lớn nên số lượng tàu lắp đặt cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Hà - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nghệ An - cho hay: Việc sử dụng hầm bảo quản PU hiệu quả cao hơn hẳn so với cách bảo quản truyền thống, tiết kiệm khoảng 40% lượng đá hao hụt và tăng giá trị sản phẩm sau khai thác lên khoảng 5%. Các tàu thuyền còn có thể tăng thời gian bám biển, giảm chi phí nhiên liệu mà vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm được bảo quản đạt chuẩn, góp phần cung cấp nhu cầu về thực phẩm cho xã hội, đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng, tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người lao động.

"Với các ưu điểm trên, việc đầu tư hầm bảo quản PU là một nhu cầu cấp thiết và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào khai thác thủy sản. Sắp tới trong quá trình xem xét Quyết định số 15 và Nghị quyết số 14 về một số chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Nghệ An đang nghiên cứu, tiếp cận theo hướng bổ sung chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực chế biến, bảo quản nông sản, trong đó bao gồm cả hải sản sau đánh bắt. Hy vọng đây là nguồn lực để ngư dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ mới để bảo quản trên tàu cá cũng như trên bờ", ông Nguyễn Văn Hà cho biết thêm.

Hoàng Trinh

TagTag:

Tin mới hơn

TP. Hồ Chí Minh phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD vào năm 2025 TP. Hồ Chí Minh phấn đấu GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD vào năm 2025 Hà Nội: Không để đầu cơ, thổi giá hàng hoá trong dịch Covid-19 Hà Nội: Không để đầu cơ, thổi giá hàng hoá trong dịch Covid-19 Hà Tĩnh: 2 ca tái nhiễm COVID-19, phong toả 2 thôn Hà Tĩnh: 2 ca tái nhiễm COVID-19, phong toả 2 thôn Quảng Ninh tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh để chống dịch Quảng Ninh tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh để chống dịch

Tin cũ hơn

Bình Định: Chỉ số công nghiệp tăng gần 11% so với cùng kỳ Bình Định đề nghị đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận công trình điện đầu tư bằng vốn Nhà nước PCC1: Trao tặng 3 căn nhà tình thương cho các gia đình tại huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An Quảng Trị: Đổi tài xế vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu để phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội: Từ 0 giờ ngày 5/5, tạm dừng các cơ sở massage, spa, phòng tập gym, sân vận động Sản xuất công nghiệp Quảng Bình 4 tháng đầu năm tăng 5,7% so với cùng kỳ
[Xem thêm]

Bạn đang đọc bài viết "Nghệ An: Tăng chất lượng thuỷ sản bằng công nghệ" tại chuyên mục Xã hội. DOANH NHÂN CỰU CHIẾN BINH ONLINE  

Cùng chuyên mục