Chất độc da cam đã gây nên nhiều thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu; đã có hàng trăm nghìn nạn nhân chết và hàng trăm nghìn người đang phải vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Để tưởng nhớ các nạn nhân chất độc da cam và nhắc nhở các thế hệ người dân Việt Nam về nỗi đau da cam, ngày 10/8 hằng năm được lấy là Ngày Da cam Việt Nam.
Chỉ trong 10 năm (1961- 1971), quân đội Mỹ đã sử dụng gần 80 triệu lít chất độc hóa học; trong đó 61% là chất độc da cam, chứa 366kg dioxin. Chất độc da cam/dioxin có khả năng gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, như: Ung thư da, đột biến gen, dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản… đặc biệt, nó có thể di truyền qua nhiều thế hệ. Chất độc da cam/dioxin làm hơn 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, trong đó hơn 3 triệu người là nạn nhân.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Hồ Chí Minh, hiện cả nước có trên 850.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2, có 350.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 và khoảng 500 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 4. Nhiều gia đình nạn nhân không còn duy trì được nòi giống; nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ; nhiều gia đình có 3 thế hệ là nạn nhân.
Nhận thức rõ hậu quả nặng nề của chất độc hóa học đối với môi trường và con người, ngay sau khi chiến tranh kết thúc, mặc dù còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách khắc phục hậu quả chất độc da cam, hằng năm Nhà nước dành khoản ngân sách lớn để trợ cấp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da ca. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ, ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (Vietnam Association for Victims of Agent Orange/dioxin-VAVA) được thành lập. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chất độc hóa học trong chiến tranh.
Bằng những chủ trương đúng đắn, những chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam đã thật sự đi vào cuộc sống và xã hội, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đã được chăm lo giúp đỡ. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được đông đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, hưởng ứng. Cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ; tăng thêm sức mạnh của phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.
Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề da cam; xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.
Cùng với quá trình khắc phục hậu quả, làm dịu nỗi đau cho những nạn nhân chất độc da cam, Đảng và Nhà nước ta còn chủ trương phát huy nội lực, tự lực tự cường và tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm để từng bước khắc phục hậu quả của thảm họa này đối với thiên nhiên, môi trường. Chúng ta cũng đã tích cực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, kêu gọi sự hợp tác quốc tế để khắc phục thảm họa và qua đó cảnh tỉnh nhân loại hãy cảnh giác với những tham vọng dùng chiến tranh hóa học để hủy diệt môi trường sống, hủy diệt con người.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 63 năm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024) tổ chức ngày 6/8, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam – cho biết: “Trung ương Hội đang rất quan tâm thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe, tinh thần, đời sống để các nạn nhân chất độc da cam được hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, Trung ương Hội sẽ tiếp tục đấu tranh công lý về pháp lý quốc tế, công tác đó cần sự chung tay của mỗi hội viên, tỉnh hội, thành hội, các đơn vị từ trung ương đến địa phương”.
Hơn 60 năm kể từ ngày quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và con người vẫn chưa đi vào dĩ vãng. Thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, ngày 10/8 – Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng tăng cường sự quan tâm đối với các nạn nhân chất độc da cam, ghi nhớ và biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; đồng cảm và khắc ghi những nỗi đau của các nạn nhân chất độc da cam, qua đó phát huy tinh thần yêu nước, tự lực tự cường, chống lại bá quyền và càng thêm trân quý hòa bình.