Mỗi khi nhắc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không thể quên những người chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc. Trong số đó, có ông nội tôi – người chiến sĩ cách mạng đã dũng cảm đối mặt với kẻ thù, để lại sau lưng mình vợ, con và cả những ước mơ còn dang dở.
Ông nội tôi – người lính, với trái tim đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã xung phong ra trận mà không hề do dự. Trên những cánh đồng, những cánh rừng hay những dãy núi xa xôi, Ông đã chiến đấu với một tinh thần quả cảm, bất khuất. Những trận chiến ác liệt, những đêm dài hành quân trong mưa bom bão đạn, tất cả đều được ông và những người đồng đội trải qua với ý chí kiên cường và niềm tin vào chiến thắng.
Tôi thường nghe Bà nội và Bố kể về ông với niềm tự hào, ngưỡng mộ. Khi nhập ngũ ông tôi còn rất trẻ, thời điểm đó ông mang trong mình những ước mơ, hoài bão về một tương lại tươi sáng nhưng vì đất nước đã sẵn sàng hy sinh.
Ông là Lê Mai Sinh, Sinh năm 1939. Chức vụ: Thiếu úy trợ lý tham mưu đã anh dũng hy sinh ở chiến trường miền Nam. Ông nội tôi hy sinh khi còn trẻ. Tài sản quý giá nhất ông để lại cho bà là 3 người con 1 gái và 2 trai. Như nhiều phụ nữ có chồng hy sinh thời chiến khác, bà tôi tần tảo ở vậy nuôi con. Cuộc sống khó khăn nhưng bà tôi chưa bao giờ nghĩ về chuyện đi bước nữa. Không phải vì không có người để mắt tới, mà vì bà nói: “Bà không quên được ông!”.
Rất nhiều năm sau ngày Ông tôi mất, gia đình tôi chỉ còn duy nhất tờ Giấy báo tử với dòng chữ: “Hy sinh ở mặt trận phía Nam”, không mộ phần, không biết chính xác địa điểm hy sinh. Gia đình tôi chỉ có thông tin duy nhất nhận được từ đồng đội của ông.
Trải qua rất nhiều năm tìm kiếm, năm 2019 gia đình tôi tìm được phần mộ của ông nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Q.Thủ Đức, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh vì là lính Biệt động thành nên ông có thêm một cái tên khác nên mọi thông tin của ông đều không có. Mãi sau khi tìm được phần mộ của ông thì thông tin của ông mới rõ hơn ông hy sinh năm 1976 vì tàn dư chế độ nguỵ quyền.
Sự hy sinh của ông nội tôi nói riêng và những người chiến sĩ cách mạng nói chung không chỉ là một mất mát to lớn đối với gia đình tôi mà còn là nỗi đau của cả dân tộc. Tuy nhiên, sự hy sinh đó cũng là nguồn động lực mạnh mẽ, truyền cảm hứng cho các thế hệ sau về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm và sự kiên định. Những tượng đài liệt sĩ, những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước là nơi ghi dấu những người anh hùng đã ngã xuống, là biểu tượng của lòng biết ơn và tôn kính của dân tộc Việt Nam đối với những người con ưu tú của mình.
Những người lính đã hy sinh trong chiến tranh sẽ mãi là những người anh hùng của dân tộc. Họ đã viết nên những trang sử hào hùng, để lại cho đời sau một bài học quý giá về lòng yêu nước và sự hy sinh. Chúng ta, những người đang sống trong hòa bình, hãy luôn nhớ và biết ơn những người chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc. Hãy sống xứng đáng với những gì họ đã hy sinh, để đất nước Việt Nam mãi mãi trường tồn và phát triển.
Nhìn lại những hy sinh lớn lao ấy, tôi cảm nhận rõ ràng rằng hòa bình là vô giá. Hòa bình không chỉ đơn thuần là sự vắng bóng của chiến tranh mà còn là cuộc sống yên bình, hạnh phúc và phát triển mà chúng ta đang hưởng thụ ngày hôm nay. Đó là món quà quý giá mà những người lính như ông nội tôi đã đánh đổi bằng chính sinh mạng của mình. Chúng ta hãy trân trọng và giữ gìn hòa bình, như một lời tri ân sâu sắc đến những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.